"Trường học Athens" của Raffaello: Kiệt tác hội họa vinh danh tri thức và nghệ thuật

1. Bối cảnh lịch sử và giá trị nghệ thuật

Trong thập niên đầu thế kỷ XVI, thời kỳ hoàng kim của chế độ bảo trợ nghệ thuật của Giáo hoàng, là giai đoạn chủ nghĩa cổ điển của Raffaello đạt đến độ chín muồi. Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là bức bích họa “Trường học Athens” (The School of Athens), được vẽ trong Stanza della Segnatura, Vatican. Đây là biểu tượng cho sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật, triết học và kiến trúc thời Phục Hưng. Chủ đề của bức bích họa là tri thức và chân lý triết học, với hình ảnh của các hiền triết và triết gia lớn trong thế giới cổ đại.

Giáo hoàng Julius II là người đã ủy thác các bức bích họa trang trí các Phòng Raphael, trong đó nổi tiếng nhất là Trường học Athens. Bản vẽ phác thảo chuẩn bị cho bức bích họa hiện được lưu giữ tại Phòng tranh Pinacoteca Ambrosiana ở Milan.

2. Bố cục kiến trúc

Raffaello đã tận dụng hình bán nguyệt ở phần trên của bốn bức tường – đặc điểm kiến trúc của Stanza della Segnatura – làm cơ sở để xây dựng bố cục. Ông sắp xếp các cảnh chính theo các trục cong, dọc và ngang, tuân thủ phối cảnh trung tâm để người xem có cảm giác như đang đứng giữa một không gian rộng lớn và hùng vĩ.

"Trường học Athens" lấy bối cảnh bên trong một công trình kiến trúc có mặt bằng hình thập Hy Lạp, nằm trong một hành lang vuông, có mái vòm trung tâm. Công trình mang dáng vẻ trang nghiêm, mô phỏng các vương cung thánh đường cổ đại. Không gian rộng lớn nhằm nhấn mạnh tầm vóc của chủ đề.

Đặc điểm kiến trúc chính:

  • Tiền cảnh là các bậc thang dẫn lên khán phòng.

  • Gian đầu tiên có mái vòm bán nguyệt dạng caisson.

  • Tiếp theo là mái vòm tròn, rồi đến mái vòm bán nguyệt thứ hai.

  • Phía sau cùng là vòm toàn tròn, tạo nên chiều sâu không gian.

  • Kiến trúc được trang trí bằng tượng thần Apollo, Minerva, các phù điêuhốc tường cổ điển.

Chính kiến trúc tạo nên sự thống nhất cho bố cục, trong khi đám đông nhân vật mang vẻ hỗn loạn và đầy chuyển động.

3. Các nhân vật trong "Trường học Athens"

Bức bích họa thể hiện 58 nhân vật, đại diện cho những triết gia, nhà toán học, và tư tưởng gia vĩ đại của thế giới cổ đại, được bố trí theo hình chữ Ω (omega). Các nhân vật được chia thành nhóm, tạo nên nhịp điệu thị giác vừa trang nghiêm vừa sống động.

Mười triết gia có thể xác định rõ ràng: sáu người nhờ các biểu tượng dễ nhận biết (Pythagoras, Socrates, Plato, Aristotle, Diogenes và Ptolemy) và bốn người được xác định theo các biểu tượng tương đối (Averroes, Xenophon hoặc Alcibiades, Zoroaster, Archimedes hoặc Euclid).

Những nhân vật trung tâm:

  • Plato (trái) cầm cuốn Timaeus, chỉ tay lên trời: biểu tượng cho thế giới ý niệm - nền tàng triết học duy tâm của ông.

  • Aristotle (phải) cầm cuốn Ethics, chỉ tay xuống đất: đại diện cho triết học thực chứng - nền tảng triết học duy vật của ông.

Cả hai được đặt ở vị trí trung tâm, dưới mái vòm lớn, như linh hồn của toàn bộ không gian tri thức.

Plato và Aristotle

Các triết gia nổi bật khác:

    • Heraclitus (phía trước bức bích họa): đang viết trên khối đá, có gương mặt Michelangelo. Điều đặc biệt là nhân vật này không được xuất hiện trong bản phác thảo ban đầu của Raffaello và được thêm vào cuối cùng khi ông thực hiện vẽ bức bích họa.

    • Diogenes (đối xứng với Heraclitus): nằm dài trên bậc thang, áo rách, thể hiện lối sống khắc kỷ.

    • Euclid/Archimedes (bên phải bức bích họa): vẽ hình học dưới đất, giữa vòng học trò.

    • Pythagoras (bậc thang bên trái): ghi chép sơ đồ âm nhạc và bảng số học.

    • Socrates: giảng giải cho các học trò, nhận diện qua đầu hói, râu và mũi tẹt.

    • Ptolemy và Zoroaster (bên phải bức bích họa): cầm địa cầu và thiên cầu, thể hiện vũ trụ học cổ đại.

    • Averroes, Xenophon/Alcibiades: phản ánh ảnh hưởng của triết học Hồi giáo và Hy Lạp.

    Một chi tiết thú vị là Raffaello tự họa chính mình trong bức tranh, đứng cạnh họa sĩ Sodoma, như một tuyên ngôn nghệ thuật cá nhân.

    Chân dung tự họa Raphael

    4. Khuôn mặt các triết gia và thông điệp tôn vinh nghệ thuật

    Raffaello không chỉ tái hiện tri thức cổ đại, mà còn vinh danh nghệ thuật bằng cách gán cho một số triết gia khuôn mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng đương thời:

    • Plato mang gương mặt Leonardo da Vinci lúc già.

    • Heraclitus có nét mặt Michelangelo (người vẽ bức bích họa trên trần nhà nguyện Sistine) với đôi ủng da quen thuộc.

    • Euclid được vẽ theo hình tượng kiến trúc sư Donato Bramante.

    • Aristotle là chân dung của nhà điêu khắc Aristotile da Sangallo.

    Heraclitus với khuôn mặt của Michelangelo

    Sự kết hợp này không chỉ là một lựa chọn cá nhân, mà còn là tuyên ngôn rằng nghệ sĩ cũng là triết gia, là người kiến tạo tri thức – một tư tưởng mang tính cách mạng trong bối cảnh nghệ thuật còn bị coi là nghề thủ công.

    5. Kết luận: Trường học Athens - Khải hoàn ca của nghệ thuật nhân loại

    “Trường học Athens” không chỉ là một kiệt tác hội họa thời Phục Hưng mà còn là tuyên ngôn về sự cao quý của tri thức và nghệ thuật. Qua từng nét vẽ, Raffaello đã dựng nên một diễn đàn triết học vĩnh cửu, nơi nghệ sĩ và hiền triết cùng nhau tồn tại, tạo nên một đỉnh cao hài hòa giữa cái đẹp, cái đúng và cái thật.

     

    Lược dịch bởi Orai Art Solutions

    Nguồn: AttuttArte

    TAGS :

    #art, #hoihoa, #italia, #lascuoladiatene, #nghethuat, #oraiartsolutions, #oraivn, #theschoolofathens, #tranhnghethuat, #tranhtrangtri

    VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: